1. Tổng quan vai trò của Landing Page
Last updated
Last updated
Kể cả bạn đang bán lẻ hay bán dịch vụ, bạn cũng cần dùng landing page để chốt một mục tiêu. Ta có trong tay website và các kênh quảng cáo trả phí facebook, google, zalo, instagram. Cách làm thông thường: quảng cáo 1 bài post trên facebook, instagram, zalo và gom đơn bằng comment, inbox. Cách làm này có những hạn chế về cách thể hiện nội dung, khó quản lý, không đo lường theo dõi được tỉ lệ chuyển đổi và dễ bị sót đơn hàng, kể cả khi dùng phần mềm thì vẫn phải nhập tay thông tin khách hàng. Nếu quảng cáo google, lượng truy cập sẽ đổ về website, website lại vốn là nơi chứa nhiều thông tin, khách hàng của bạn khả năng là sẽ lang thang đến thông tin công ty, thông tin sản phẩm khác, bài viết, blog trước khi tìm đến sản phẩm họ cần mua. Vì vậy ta phải đổ traffic trực tiếp về trang sản phẩm, nhưng nội dung của trang sản phẩm này phải đủ sức thuyết phục để khách hàng có đủ thông tin ra quyết định mua hàng. Lúc này, ta cần tới sự trợ giúp của Landing Page.
Hiện tại ta đang coi các mạng xã hội như một kênh bán hàng trực tiếp, trong khi về bản chất đó chỉ là các kênh tạo nguồn truy cập. Bạn vẫn có thể kiếm tốt từ cách làm này, nhưng để kiếm tốt hơn nữa thì không thể thiếu landing page.
Như vậy, vai trò của landing page là đón tất cả lượng truy cập từ các kênh quảng cáo về. Nội dung trên landing page phải được viết sao cho thuyết phục được người xem thực hiện một hành động cụ thể, hành động ở đây có thể là đặt hàng, để lại thông tin, gọi điện hoặc click chuyển sang một trang khác. Mục tiêu của chúng ta là chuyển đổi lượng truy cập trên trang trở thành khách hàng tiềm năng (lead).
Tóm gọn lại, ta có một Định nghĩa rõ ràng cho Landing Page như sau:
“Trong các chiến dịch marketing và quảng cáo, Landing Page là một trang web đơn, được thiết kế để dẫn dắt và thuyết phục người đọc cho một mục tiêu tập trung duy nhất".
Website là ngôi nhà chính của bạn, bạn vẫn cần có website để thể hiện đầy đủ thông tin công ty, đầy đủ các loại sản phẩm/dịch vụ của mình, blog, tin tức … Còn Landing Page sẽ đóng vai trò chính trong các chiến dịch marketing và quảng cáo, giả sử bạn cần đẩy mạnh một sản phẩm mới, một dịch vụ mới, hoặc thông báo về một chương trình khuyến mại nhân dịp nào đó thì Landing Page sẽ phát huy tác dụng truyền tải thông tin, tập trung chuyển đổi traffic.
Landing Page thường sẽ chạy độc lập với website, sử dụng dưới 3 dạng đường dẫn:
Tên miền chính: landingpagelagi.com
Tên miền phụ: themes.ladipage.vn (Tên miền phụ có thể tạo không giới hạn và miễn phí đi kèm với tên miền chính)
Thư mục con: ladipage.vn/tinhnang
Đối với ngành dịch vụ, ví dụ trung tâm đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng, nghệ thuật, hay du lịch, bất động sản, nhà hàng… thì Landing Page là lựa chọn hàng đầu. Ta sẽ dùng Landing Page để giới thiệu một sự kiện đặc biệt hoặc một dịch vụ trọng tâm mới ra mắt. Trong trường hợp này, chạy Landing Page thu thập khách hàng tiềm năng (Lead Generation Page) là lựa chọn tối ưu.
Đối với ngành bán lẻ, Landing Page sẽ phù hợp nhất với những sản phẩm đơn, một Landing Page sẽ chỉ nói về một sản phẩm, hoặc một sản phẩm có biến thể (ví dụ biến thể về màu sắc, kích cỡ), để đảm bảo cho nội dung tập trung giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi. Nội dung của Landing Page sẽ tập trung nói về lợi ích, công dụng của sản phẩm đó và thuyết phục được người xem mua ngay tại trang. Với hình thức này, ta sử dụng Landing Page bán hàng (Sales Page). Nếu bạn đang có nhiều sản phẩm, Landing Page sẽ được sử dụng để chạy các chương trình khuyến mãi. Không nên nhồi tất cả sản phẩm vào Landing Page, vì Landing Page không thể làm thay nhiệm vụ của một website bán hàng. Nếu bạn đã có website bán hàng có phần back-end có thể quản trị đơn hàng, thì ta sẽ dùng Landing Page trung gian chuyển đổi (Click-Through Page) để đảm bảo tính đồng bộ cho toàn bộ hệ thống bán hàng của bạn.
Landing Page thu thập khách hàng tiềm năng (Lead Generation Page)
Landing Page bán hàng (Sales Page)
Landing Page trung gian chuyển đổi (Click-Through Page)
Landing Page thu thập khách hàng tiềm năng (Lead Generation Page)
Mục tiêu: Thu thập những thông tin cơ bản của khách hàng tiềm năng (như họ tên, email, số điện thoại) để sử dụng cho các hoạt động marketing sau đó (ví dụ telesales, email marketing).
Đặc điểm: Thu thập thông tin bằng một biểu mẫu đăng ký và luôn đi kèm với một lợi ích trao đổi với khách hàng như ebook, webinar, hội thảo offline, tư vấn miễn phí, quà tặng, mã giảm giá…
Landing Page bán hàng (Sales Page)
Mục tiêu: Thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua hàng ngay trên Landing Page.
Đặc điểm: Nội dung về sản phẩm/dịch vụ được xây dựng chi tiết bao gồm: lợi ích khách hàng, đặc điểm nổi bật, phản hồi khách hàng, bảng giá, chính sách..., giúp khách hàng có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định mua hàng.
Mục tiêu: Dẫn dắt người đọc chuyển hướng tới trang chuyển đổi chính.
Đặc điểm: Landing Page trung gian chuyển đổi chỉ sử dụng nút kêu gọi hành động để chuyển hướng tới trang khác, không sử dụng biểu mẫu đăng ký. Ngoài ra, trong thương mại điện tử, trang Landing Page trung gian sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và dẫn dắt khách hàng về trang giỏ hàng của website chính.
Lưu ý: Trên thực tế, bất cứ trang nào được thể hiện hướng đến một hành động mục tiêu đều là Landing Page. Vì thế chúng ta sẽ thấy một số homepage (trang chủ của website) được thiết kế với mục tiêu hướng khách hàng ấn nút “Đăng ký” thì đó cũng gọi là một Landing Page. Trang sản phẩm được thiết kế theo dạng các section nội dung và có CTA thì cũng là Landing Page (ví dụ điển hình Landing Page trang sản phẩm của Apple).
Tuy nhiên trong phạm vi phân tích của LadiPage, chúng tôi đặt Landing Page đứng độc lập để phục vụ các chiến dịch quảng cáo.